Friday, October 9, 2020

Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng mới xử phúc thẩm "kỳ cục án" đòi chồng trả tiền “hao mòn thân thể” 11 năm “phục vụ tình dục”.




Vợ kiện đòi chồng trả tiền 11 năm 'hao mòn thân thể'
Bà Xem thất vọng trước lời khai của người chồng không hôn thú.


Tại phiên tòa, người chồng nói: “Tôi là đàn ông mà, bà Xem tự tới cho thì tôi quan hệ với bà ấy chứ không phải vợ chồng”. Ngược lại, khi trả lời thẩm vấn của tòa, thật đáng ngạc nhiên người vợ một mực gọi người đàn ông ấy là “chồng tôi” hết sức trìu mến.

Ghi là “vợ” nhưng vẫn khăng khăng chỉ là người ở nhờ

Sau bản án sơ thẩm ly hôn giữa bà Đặng Thị Xem (thôn 1, xã Đạmri, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) với ông Lê Văn Tạo, bà Xem kháng cáo vì cho rằng tòa án huyện xử ép bà.

Trong đơn kháng cáo, bà không kiềm chế được cơn giận khi bị người chồng chung sống cả chục năm thản nhiên buông giọng vô tình, gọi bà là “người ở nhờ nhà”, ông ta chỉ nhờ bà trông nom vườn đất. Đã vậy, tòa lại nghiêng về phía lời khai của ông Tạo, tuyên bà chỉ là người ở nhờ, không phải vợ chồng.

Bà Xem bức xúc: “Tôi đâu có điên khùng gì mà trông coi vườn đất cho ông Tạo suốt 14 năm?. Người xin ở nhờ mà xây nhà ở chung, tối lại ngủ chung?. Tại sao ở nhờ mà nhập được hộ khẩu hợp pháp vào gia đình?”.


Ông Tạo khai với tòa rằng bà trông coi, chăm sóc vườn đất cho ông, vậy tại sao tòa không xử theo luật lao động? Nếu bà làm thuê cho ông Tạo thì tòa phải buộc ông Tạo trả tiền công làm thuê mức 150 ngàn đồng/ngày, trừ ngày nghỉ, trong suốt 14 năm qua cho bà tổng cộng là 500 triệu đồng. Đặc biệt, bà còn yêu cầu ông Tạo trả tiền “hao mòn thân thể” vì phục vụ tình dục cho ông trong 11 năm.


Thế nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, khi tóm lược lại đơn kháng cáo của bà Xem, chủ tọa phiên tòa đã quên đề cập phần kháng cáo quan trọng nêu trên. Mỗi khi bà Xem chuẩn bị nói tới phần này, tòa lại cắt lời bà và hỏi sang chuyện khác.


Ông Tạo vẫn khẳng định bà Xem chỉ là người ở nhờ nhà ông, dù bà được nhập hộ khẩu vào nhà ông diện vợ theo chồng. “Vậy lúc đầu ở nhờ, mà sau đó ông đã chung sống, đúng không?”, tòa hỏi. “Tôi là đàn ông mà, xa vợ con, bà Xem tới thì chung sống thôi”, ông Tạo trả lời.


Luật sư hỏi ông Tạo: “Trong hợp đồng vay vốn ngân hàng, ông đứng tên vay, ông khai bà Xem là vợ, đúng không?”. “Đúng”. “Vậy ông coi bà Xem là vợ mình có đúng không?”. “Khi vay, ngân hàng nói phải có người thừa kế mới vay được, vợ con tôi ở dưới quê nên tôi để bà Xem là người thừa kế”, ông Tạo nói.


Lộ việc chung sống trái pháp luật


Khi được tòa hỏi có biết ông Tạo đã có vợ không, bà Xem khai: “Biết. Tôi biết chồng tôi đã ly hôn, người vợ trước đã đi lấy chồng khác và có con với người chồng sau. Cha mẹ chồng tôi đã cưới tôi cho ảnh. Năm 1998, tôi có kêu chồng tôi đi đăng ký kết hôn, nhưng chồng tôi không chịu đi”.


Cả bà Xem lẫn ông Tạo đều nửa chừng gãy gánh nên mới đi bước nữa với nhau. Tòa hỏi tiếp thì mới lộ ra vào năm 1972, bà Xem từng chung sống với người chồng trước, không đăng ký kết hôn. Bà và người chồng trước có con chung, rồi chia tay cách đây đã 20 năm nhưng không ra tòa ly dị.


Ông Tạo cũng khai ông có vợ con ở quê Bến Tre, hiện vợ con ông sống tại TP.HCM, đến ngày ly hôn với bà Xem thì cuộc hôn nhân trước của ông vẫn chưa chấm dứt. “Ông có biết việc chung sống như vậy (chung sống với bà Xem – PV) là trái pháp luật không?”, tòa hỏi. Ông Tạo nói: “Dạ có”.

Điều lạ lùng là dù phát hiện ra việc chung sống giữa bà Xem với ông Tạo vi phạm điều kiện kết hôn, cả hai đang có vợ, có chồng hợp pháp diện vợ chồng thực tế, nhưng tòa án vẫn tuyên không công nhận quan hệ giữa bà Xem với ông Tạo là vợ chồng vì chưa đăng ký kết hôn.


Án tuyên như vậy là trái pháp luật, lẽ ra phải tuyên hủy hôn nhân trái pháp luật mới phù hợp. Về tài sản, tòa công nhận việc hai người thỏa thuận căn nhà là của chung, nên chia đôi, nhưng giao nhà cho ông Tạo vì phần đất có căn nhà tọa lạc trên đó là thửa đất riêng của ông Tạo, ông Tạo phải trả lại bà Xem phân nửa giá trị căn nhà.


Các cây trồng trong thời kỳ chung sống cũng được tòa chia đôi, giao cây cho ông Tạo, bà Xem chỉ được nhận phân nửa giá trị cây trồng. Tổng cộng ông Tạo phải trả lại cho bà Xem hơn 146 triệu đồng (án sơ thẩm buộc ông Tạo trả cho bà Xem gần 132 triệu đồng).


Còn phần đất của riêng bà Xem mua cho con trai hơn 6.500 m2 mà bà và ông Tạo đứng tên sổ đỏ, một phần đất khác rộng 1m, dài 200m bà mua làm đường đi… tòa không giải quyết vì ở cấp sơ thẩm bà Xem quên gửi văn bản yêu cầu tòa chia các tài sản này. Nếu muốn phân định là của ai thì bà Xem lại phải kiện ông Tạo trong một vụ kiện dân sự khác.


“Bây giờ thay lòng đổi dạ rồi, ảnh nói đất đứng tên ai là của người đó. Ảnh nói: “Tôi với bà đâu có kết hôn đâu mà bà nói bà là vợ tôi”. Nếu lòng dạ như vậy thì góp gạo nấu cơm chung cũng hổng dám, chứ đừng nói là làm vợ chồng”, bà Xem nói. Bà cho biết sẽ khiếu nại yêu cầu giám đốc thẩm lại hai bản án trên vì bà không tâm phục, khẩu phục.



Đăng ký: Bản tin Pháp luật

KInh Doanh

Nguồn Tin Mới

Powered by Blogger.